LUẬN VỀ KARMA

LUẬN VỀ KARMA

 



Nghĩa gốc của Karma là “hành" và khi ứng dụng, nó có nghĩa karma của ta là hành động của chính ta làm. Ta đã tự tạo con người mình cũng như hoàn cảnh sống, và karma không những chỉ là hành động mà cả ý nghĩ tâm tư, tức nghiệp cả thân / khẩu / ý. Tới một lúc nào đó và bằng cách này hay cách khác, điều gì con người đã làm sẽ phản hồi trên chính người đó, không một hành động nào biến mất vào hư vô mà cuối cùng đơm hoa kết trái và quay về chính tác giả không hề sai chạy. Karma là một lực tự nó chuyển vận mà không cần ai điều động.

Nói một cách thực tế mà không cần triết lý xa xôi, kết quả của hành động có thể xảy ra ngay tức khắc hay sẽ hiện ra sau này, nhưng nó sẽ hiện ra trọn vẹn dù ta không ý thức và chỉ nhận biết một phần. Cũng như karma không bắt buộc chỉ trở lại vào kiếp mai sau, mà karma thường biểu lộ trong cùng một cuộc đời với cái nhân gây ra. Hiểu như vậy, việc gì xảy ra trong đời không phải là sự hình phạt, trách mắng về mặt luân lý mà chỉ là cái kết quả đương nhiên của một nguyên nhân đã sinh ra trước đó, chẳng khác nào thẩy viên đá lên không thì một lúc sau viên đá sẽ rơi xuống không chỗ này thì chỗ kia. Nên ta cũng có thể nói karma không phải là một "luật" để tuân theo hay né tránh, và nó cũng không là quy tắc để xử người làm lỗi, nó chỉ là nguyên lý nói rằng kết quả tất nhiên sẽ đến sau nguyên nhân, và điều ấy không sao tránh được.

● Karma và Tự Do Ý Chí.

Tuy nhiên karma cũng không xếp đặt hết tất cả mọi hoàn cảnh, cơ hội trong đời người. Nói như vậy là chưa hiểu karma. Chúng ta không hoàn toàn nắm vận mạng mình trong tay và có tự do ý chí rộng rãi, nhưng cuộc đời chúng ta cũng không được tiền định từng chuyện một khiến con người bị bất lực vì quyền quyết định nằm ngoài tầm tay mình. Tức “có trời mà cũng có ta", có một phần tiền định trong đời và con người cũng có một phần tự do ý chí dù không được trọn vẹn, và tự do ý chí ấy luôn luôn hiện diện bên cạnh karma của người. Đứng trước một sự việc chúng ta có tự do chọn phản ứng - hoặc vui hoặc buồn, thái độ phản đối hay tiêu cực xuôi dòng, nhưng không thể chọn lựa kết quả của phản ứng hay thái độ trên.

Bởi chúng ta nhận lãnh cái chung cuộc của những nguyên nhân đã xảy ra trong quá khứ, có đôi khi ta nên tích cực tranh đấu với hoàn cảnh như mãnh hổ lồng lộn, và lại có lúc ẩn nhẩn chịu đựng thì tốt hơn; chỉ có sự khôn ngoan già dặn tâm hồn mới giúp ta phân biệt khi nào nên theo cách này hay cách kia.

Mặt khác ai trong đời cũng có lúc gặp chuyện bất ngờ hoặc may hoặc rủi, nhưng nói đó là chuyện tình cờ thì không đúng bởi luôn luôn có tác nhân sáng suốt can dự vào mọi chuyện ở đời. Karma có hai tính chất:  nó luôn trở lại và khôn ngoan thế mấy ta cũng không sao tránh được việc ấy, nhưng ta có thể sửa đổi chuyện trở lại bằng tư tưởng, hành động, bằng hối cải, cầu nguyện và lập công đức. Bởi thế karma và tự do ý chí đi song hành, bổ túc cho nhau và khi chưa hiểu gì về sự tiến hóa, bàn cãi thảo luận hai điều trên chỉ phí công. Điểm chính là khi ta là con người tinh thần ta có tự do ý chí, còn khi mang xác thân vật chất tự do ấy bị giới hạn nhiều. Vì khi con người muốn làm chuyện gì, thực sự không phải anh muốn mà chỉ là lòng đam mê, dục vọng và hoàn cảnh gia đình, tính di truyền  làm anh muốn vậy. Nên đó không thể gọi là tự do ý chí, và bao lâu chưa thoát khỏi những trói buộc đó, ta chưa thể có tự do ý chí hoàn toàn.

● Karma và Tôn giáo.

Bàn về Thiên Chúa giáo, có lời nói rằng Thiên Chúa giáo không thể trở thành một tôn giáo đại đồng trừ phi tín đồ chấp nhận thuyết tái sinh, cũng như Bài Giảng Trên Núi không thể được hiểu trọn vẹn nếu không dựa vào thuyết này.

Karma và luật tái sinh tác dụng hỗ tương mà không đứng riêng rẽ, nó cho thấy luận cứ của giáo hội Thiên Chúa giáo không vững nhiều điểm:

–  Nếu tin vào lời giảng của giáo hội; con người không hề có quá khứ (bởi không có tiền kiếp) mà lại có một tương lai vô tận, hoặc ở thiên đàng cực lạc hay hoả ngục tối tăm. Tâm hồn đơn sơ thời Trung cổ có thể chấp nhận lời ấy, nhưng trình độ tâm linh hiện giờ khiến con người phải xét lại quan niệm này.

–  Vẫn theo giáo hội, hành động giới hạn trong đời cho ra kết quả vô hạn trong tương lai, hoặc phần thưởng vô hạn hoặc trừng phạt vô hạn.

Tuy nhiên mỗi hành động hay tư tưởng đều chỉ sử dụng lượng năng lực nhất định và do đó giới hạn, vậy kết quả hợp lý sinh ra cũng phải bị giới hạn; nói khác đi bạn thắp một cây nhang và hương bay ra, khi nhang tàn lẽ tự nhiên hương cũng mất, ta không thể trông mong  hương còn mãi dù nhang đã cháy hết từ lâu. Vì thế lý luận của giáo hội cũng cần phải đổi thay.

Với Tây phương, hằng bao thế kỷ qua con người tin và sợ hãi một Thượng đế quyền uy, ngày nay họ dửng dưng với tôn giáo vì cho là không có Thượng đế, hay Thượng đế đã chết rồi. Giữa ý sợ hãi và lòng thờ ơ đó, ta biết số mạng có thật  và phải được nhìn nhận, hay karma phải được giảng dạy. Điều con người cần hiện giờ không phải là lời hứa hẹn một giấc mơ hoa trong tương lai, hay một cơn ác mộng còn lâu mới tới, nhưng là một quan niệm ứng dụng vào được ngay cõi đời này, ngay bây giờ. Karma không cần được đi sâu vào chi tiết, mà chỉ cần được trình bày như là một thuyết phù hợp với óc lý luận và óc khoa học; nó thay thế lòng sợ hãi, sự hăm dọa và lời dối trá trong tôn giáo, và tạo nên một căn bản đức hạnh vì được dựa trên sự thực, và karma cũng sẽ làm hởi dạ nhiều người, bởi nó hàm ý không ai bị bỏ rơi mà tất cả đều được cứu chuộc, vì tất cả nằm trong lòng từ của Thượng đế.

● Nhân Quả Quốc Gia.

Karma rất dễ thấy ở đây. Nước Nga xây đập thủy điện lớn ở Dnieperpetrovsk bằng sức tù nhân chính trị và dân quê, và người cộng sản hãnh diện với công trình ấy. Rồi quân Đức tới, và người Nga phải tự tay phá hủy công trình bao năm chỉ trong một ngày. Vật được xây dựng bằng phương tiện vô luân không cho họ một kết quả nào.

Mỗi cá nhân đóng góp vào karma quốc gia, nhưng số mạng của quốc gia lại phức tạp vì còn nhiều yếu tố ngoài số mạng cá nhân. Người trong nước chia sẻ vận mạng quốc gia, cùng lúc đó chịu sự chi phối của vận mạng mình. Khi một nhóm người sống quây quần với nhau, dù đó là một tu viện, thành phố hay một quốc gia, lần lần họ tạo nên một karma tập thể mà họ sẽ phải nhận lãnh hậu quả. Giống như cá nhân, karma quốc gia có khi hay khi dở, và cái dở có mục đích làm thanh lọc, tỉnh ngộ.
Giờ nói rộng ra thế giới cũng có karma của nó, và tình trạng hiện giờ được tạo ra bởi không ai khác hơn ngoài con người. Con người đã tỏ ra thông minh nhưng lại thiếu thiện chí, và điều ấy bắt nguồn từ lòng ích kỷ và tham lam. Bao lâu còn tham lam chiếm hữu và không muốn chia sẻ, bấy lâu họ không biểu lộ thiện chí và như vậy không sao có được hòa bình; chỉ bằng cách gặp đau khổ nhiều lần con người mới bắt đầu học tinh thần rộng rãi, biết cho và biết nhận, công bình thiện chí và đấy là những điều thiết yếu cho hòa bình.

Tây phương như vậy cần biết về ý niệm karma và tái sinh, nếu không muốn bị hủy diệt bởi chính sự vô minh của mình. Với mức độ tri thức ngày nay, chỉ ý niệm có căn bản trí tuệ mới có thể giúp ích luân lý hữu hiệu. 

● Karma và Bất Bạo Hành.

Có một chủ trương dùng bất bạo hành đáp lại bạo lực, và người ta hay lấy cuộc tranh đấu của thánh Gandhi tại Ấn để thí dụ, nhưng ta nên nhìn rõ là Ấn độ được độc lập không phải nhờ vào chủ trương ấy, mà bởi ý thức chính trị lúc đó phát triển tới mức chế độ thuộc địa bị coi là lỗi thời. Điểm đáng nói là chủ trương bất bạo hành đã giúp việc dành độc lập không bị đổ máu nhiều hơn, ngoài ra trước đó và sau đó với chủ trương tương tự, người đối đầu với bạo lực đã bị bạo lực sát hại. Thuyết bất bạo hành chỉ có thể áp dụng cho một quốc gia trong vòng giới hạn, trong khi áp dụng được trọn vẹn cho hàng tu sĩ hay những ai đã sống hòan toàn ngoài xã hội. Khi bị thú dữ tấn công và phải lựa chọn giữa mạng người và mạng thú, chúng ta sẽ phải bảo vệ mạng người vì giá trị cao cả của nó, hay khi quốc gia bị xâm lăng, tự vệ là quyền chính đáng của người dân nếu họ không muốn bị sát hại. Thế nên trong cả hai trường hợp giữa người với người và người với thú, thuyết bất bạo hành không phải lúc nào cũng có thể được áp dụng, thay vào đó qui tắc căn bản cần tôn trọng là luôn luôn tránh gây đau đớn hay tổn thương không cần thiết.

● Karma và Bói Toán.

Bói khoa cho con người một ý niệm giản dị về karma và luân hồi cũng như nêu ra ý niệm là có đấng tối cao xếp đặt vận mạng con người, nhưng nó không nên được dùng làm kim chỉ nam cho tất cả hoạt động trong ngày hay trong đời một người. Thay vào đó chỉ nên xem nó như là gợi ý về kết quả hiện tại phát sinh từ nguyên nhân trong quá khứ, cũng như không nên nghĩ vị trí các vì sao hay các hành tinh trong lá số, sinh ra những lực cưỡng chế con người không sao tránh được. Những lực ấy có thật nhưng đồng thời tư tưởng , hành vi của ta cũng phải kể vào, và như có lời nói “Đức năng thắng số”, nỗ lực sống theo lý tưởng sẽ che chở con người mạnh hơn bất cứ hứa hẹn nào nằm trong lá số. Đức Phật cấm đệ tử không được khẩn cầu, dùng bùa chú vì karma quản trị mọi việc, và ngài cũng cấm luôn việc bói khoa tiên đoán hậu vận.

Về mặt tâm lý khi ta không quan tâm đến lá số cá nhân, không màng đến việc tương lai sẽ mang gì đến cho mình, khi ấy ta có được sự bình an; còn khi lo lắng chuyện mai sau, thắc mắc việc quá khứ xem kiếp trước mình là ai và đã làm gì, khi ấy con người lệ thuộc vào thời gian và mất đi sự an lạc trong tâm hồn.

Sách xưa nói rằng lá số không còn đáng kể nữa khi ai bỏ đời sống thường và cố gắng sống theo tinh thần, lúc đó không ai còn có thể đoán trước vận mạng người ấy sẽ ra sao. Khi con người qui thuận Chân nhân, tư tưởng, cảm xúc và hành vi của họ được dùng để thực hiện karma đã tạo từ xưa. Từ phút ấy, đời sống hồng trần của người như thế không còn tiên đóan được nữa. 

 (Theo ‘Essays on the Quest’, Paul Brunton)

Xem các bài KARMA